20:22, Thứ Sáu, 05/07/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Nghiên cứu sinh Phạm Thị Kim Giang bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Hóa học

Thứ sáu, 20/12/2013, 17:21

Ngày 19/12/2013, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh Phạm Thị Kim Giang – Phó trưởng BM - Phụ trách BM Hóa học, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Hùng Vương đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Hóa học Phân tích, Mã số: 62.44.01.18 trở thành Tiến sĩ, bổ sung vào đội ngũ giảng viên trình độ cao của nhà trường.

Tham dự buổi bảo vệ có PGS.TS. Phùng Quốc Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, ThS. Hoàng Thị Thuận – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị trong tường cùng sự có mặt của các cán bộ, giảng viên nhà trường.

Với đề tài Khảo sát, nghiên cứu xác định một số nguyên tố trong nước Lâm Thao - Phú Thọ bằng phương pháp đo quang để đánh giá, xử lí ô nhiễm, dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Hồ Viết Quý và PGS.TS Đặng Xuân Thư luận án của tân Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang đã có nhiều đóng góp mới:

1. Luận án đã sử dụng phương pháp chiết - đo quang phổ hấp thụ phân tử UV-VIS để nghiên cứu các điều kiện chiết phức tối ưu (dung môi chiết, pH, cân bằng chiết, nồng độ thuốc thử, thành phần, cơ chế, các tham số định lượng của các phức đơn ligan. Luận án sử dụng các phức đơn và đa ligan cho kết quả ổn định, đảm bảo độ nhạy và độ chọn lọc để xác định hàm lượng các nguyên tố này trong nước ở xã Thạch Sơn và thị trấn Lâm Thao – Phú Thọ.

2. Luận án đã nghiên cứu và sử dụng tổ hợp phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (F-AAS, GF-AAS), khối phổ cảm ứng Plasma (ICP-MS) để xác định hàm lượng các nguyên tố độc tố (Pb, Hg, Cu, Fe, Zn, Cd, Mn, Cr, As) trong nước ở xã Thạch Sơn, thị trấn Lâm Thao – Phú Thọ. Các kết quả xác định có độ nhạy, độ chính xác cao.

3. Các kết quả định lượng của các nguyên tố độc tố (Cu, Hg, Pb, Zn, Cd, Mn, Fe, Cr, As) được sử dụng để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước ở xã Thạch Sơn (xã có nhiều người mắc bệnh ung thư), thị trấn Lâm Thao – Phú Thọ. Kết quả nghiên cứu và đánh giá mức độ ô nhiễm được theo dõi trong bốn năm (từ năm 2009 đến năm 2012) và theo hai mùa (mùa mưa, mùa khô) với một số mẫu nước đủ lớn dựa theo QCVN.

4. Luận án đề xuất mô hình quy mô phòng thí nghiệm để xử lý nước bị ô nhiễm bởi các nguyên tố độc tố ở địa phương nghiên cứu bằng cột hấp phụ (vật liệu được chế tạo từ cát đen, cát vàng, bột sắt, mangan đioxit). Kết quả loại trừ được các nguyên tố gây ô nhiễm từ 70-90%. Thiết bị xử lý khá đơn giản, vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền.

Luận án được Hội đồng chấm đánh giá cao về ý nghĩa và tính khả dụng của kết quả nghiên cứu. Luận án đã có đóng góp nhất định vào lĩnh vực nghiên cứu Hóa học nói chung và nghiên cứu Hóa học Phân tích nói riêng. Luận án được Hội đồng nhất trí đề nghị công nhận học vị Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Phạm Thị Kim Giang với 5/7 phiếu xuất sắc.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi bảo vệ:

GS.TSKH Trịnh Xuân Giản – Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi bảo vệ

NCS Phạm Thị Kim Giang bảo vệ luận án của mình trước hội đồng 

PGS. TS. Phùng Quốc Việt– Phó Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa chúc mừng tân tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang

ThS. Hoàng Thị Thuận – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường  tặng hoa chúc mừng tân tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang

Lãnh đạo các đơn vị trong trường chúc mừng tân Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang

ThS. Hà Quế Cương – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên cùng các giảng viên trong khoa chúc mừng tân Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang

Mạnh Hùng

 





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN