08:22, Thứ Bảy, 06/07/2024     Lịch công tác   Thư điện tử   English

Trích yếu luận án tiến sĩ ngữ văn của NCS Phạm Tuấn Anh - trưởng khoa KHXH&NV

Thứ tư, 02/12/2009, 15:50

Vào hồi 14h00 chủ nhật ngày 06/12/2009, tại trường ĐHSP Hà nội – NCS Phạm Tuấn Anh, Trưởng khoa KHXH&NV sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ. Sau đây là trích yếu luận án tiến sỹ của NCS Phạm Tuấn Anh.

TRÍCH YẾU LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

                  NCS: Phạm Tuấn Anh 
                  Đề tài:
Sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 
                  Chuyên ngành: Lý luận văn học 
                  Mã số: 62.22.32.01 
                  Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 
                  Hướng dẫn khoa học: 1 – GS.TS. Trần Đình Sử
                                                            2 – PGS.TS. Lê Lưu Oanh
1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu
        Mục đích của luận án là phân tích, khái quát về sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 theo các phạm trù thẩm mĩ và sự tương tác, chuyển hoá giữa các tính chất thẩm mĩ trong toàn bộ hệ thống. Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thống giá trị thẩm mĩ mới của văn xuôi Việt Nam sau 1975 với những biểu hiện cụ thể ở các phạm trù cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái cảm thương, cái hài, cái phi lí.
2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
        Ngoài các phương pháp thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học nói chung như phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê... luận án chú trọng một số phương pháp như phương pháp phân tích thẩm mĩ, phương pháp tiếp cận thi pháp học, phương pháp tiếp cận hệ thống. Phù hợp với đặc thù của đối tượng nghiên cứu, luận án đặc biệt chú trọng phương pháp phân tích thẩm mĩ. Để làm rõ sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975, không thể không phân tích những phẩm chất thẩm mĩ của nó. Cách thức này đòi hỏi phân biệt giá trị thẩm mĩ và giá trị nghệ thuật. Giá trị thẩm mĩ là những phẩm chất tạo nên khoái cảm thẩm mĩ, khoái cảm tinh thần, như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, cái cảm thương… Giá trị nghệ thuật là phẩm chất của các phương tiện nghệ thuật trong việc tạo ra giá trị thẩm mĩ.
3. Các kết quả chính và kết luận
       Luận án lần đầu tiên phân tích trực tiếp sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 ở cả cấp độ hệ thống và cấp độ từng phạm trù thẩm mĩ. Qua đó lí giải sự đổi mới cùng vận động tiếp diễn của văn học Việt Nam kể từ sau 1975. Luận án bước đầu hệ thống hoá các khái niệm lí thuyết về thẩm mĩ và góp phần làm rõ hơn các khái niệm đó trong quá trình vận dụng vào phân tích một đối tượng cụ thể. Các kết luận về đặc trưng đa dạng hoá thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 có thể dùng cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy bộ môn Lí luận văn học, Văn học Việt Nam hiện đại.
      Luận án đã chỉ ra rằng sự đổi mới thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 có cơ sở từ sự chuyển đổi của hệ thống giá trị từ cao cả, thuần khiết, đơn trị sang đời thường, phồn tạp, đa trị. Luận án đã tiến tới làm rõ đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi đổi mới ở cái nhìn toàn bộ hệ thống, để thấy sự hình thành một cục diện thẩm mĩ đa dạng, đồng thời phân tích những biểu hiện đa dạng cụ thể ở từng phạm trù. Trong mối tương tác và chuyển hoá đa dạng, các phạm trù thẩm mĩ như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái cảm thương, cái hài, cái phi lí. Luận án cũng chỉ ra vị thế chủ âm của hai phạm trù cái bi và cái hài như là biểu hiện của một sự cân bằng, hài hoà mới. Hai phạm trù này chi phối các mối tương tác, chuyển hoá của hệ thống và tạo ra các sắc thái thẩm mĩ phong phú: vẻ đẹp của thân thể phồn thực và thân thể tính dục, cái cao cả đời thường – sản phẩm của quá trình hoá giải cái cao cả sử thi, cái nhìn số phận với những biểu hiện ở bi kịch xã hội và bi kịch bản thể, sự hưng khởi của truyền thống cảm thương trong quá trình phát triển con người cá nhân, cái hài hước phồn thực, sự xuất hiện cái phi lí và cái hài hước đen...

Phạm Tuấn Anh





HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN