Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng VươngBản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1733301597.hvu |
Sáng nay, ngày 04/12/2024 Trường Đại học Hùng Vương phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phát huy giá trị di tích chiến thắng sông Lô tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo khoa học về phía Trường Đại học Hùng Vương có TS. Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng; TS. Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan và các CB, GV quan tâm.
Về phía đại biểu khách mời có: Đại biểu Trung ương: Cục Di sản Bộ VH, TT và DL Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại biểu Lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Phú Thọ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đại biểu Huyện Đoan Hùng và một số cơ quan truyền thông TW và địa phương.
TS. Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương gửi lời cảm ơn chân thành đến các quý đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo. Đồng chí khẳng định: Đây là hội thảo khoa học quốc gia có quy mô lớn do trường Đại học Hùng Vương phối hợp cùng UBND huyện Đoan Hùng tổ chức có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn sâu sắc. Đồng thời, đồng chí đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận vào các nội dung: Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng sông Lô trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tôn vinh những chiến tích hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mảnh đất quê hương Đoan Hùng, làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Chiến thắng sông Lô, làm rõ hiện trạng của di tích và và hiện trạng khai thác, sử dụng di tích Chiến thắng sông Lô hiện nay. Đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng di tích Chiến thắng sông Lô trong dạy học Lịch sử, trong triển khai các hoạt động Giáo dục địa phương và trải nghiệm của các nhà trường. Đồng thời, xây dựng Tượng đài chiến thắng sông Lô trở thành điểm du lịch cấp tỉnh phục vụ phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Đoan Hùng nói riêng. Đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước tu sửa và mở rộng quy hoạch di tích nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn giá trị di tích Chiến thắng sông Lô trong đời sống đương đại.
Với 20 tham luận của các tướng lĩnh quân sự, các nhà khoa học, các chuyên gia và các sở, ban ngành của tỉnh Phú Thọ, Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Di tích chiến thắng Sông Lô tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ” đã tập trung phân tích sâu vào hai vấn đề chính như:
1) Nghiên cứu tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Sông Lô trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc và đề xuất giải pháp đầu tư tôn tạo di tích Tượng đài chiến thắng Sông Lô tạo cảnh quan gắn với giá trị lịch sử.
2) Khai thác Di tích chiến thắng Sông Lô trong phát triển du lịch, dạy học Lịch sử dân tộc và Chương trình giáo dục địa phương.
Trong phiên thảo luận, hội thảo đã nghe các ý kiến phát biểu của hai đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Cục Di sản - Bộ VHTT&DL và các tham luận báo cáo trực tiếp với những trao đổi chuyên sâu. Từ đó Hội thảo rút ra những vấn đề quan trọng và hữu ích đối với việc Phát huy giá trị di tích chiến thắng Sông Lô tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cụ thể là:
Thứ nhất: Tiếp tục khẳng định chiến thắng sông Lô và tầm quan trọng, giá trị lịch sử. Gần 80 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị lịch sử của Chiến thắng sông Lô vẫn còn vang vọng mãi, đi cùng với những bước trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta nói chung, của quân và dân Quân khu 2 nói riêng. Chiến thắng đó tiếp tục là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang Quân khu 2, cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, thi đua giành được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
Thứ hai: Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến thắng sông Lô, hội thảo đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục có nghiên cứu tổng thể về di tích, xác định chính xác các điểm chính của di tích (nơi đặt pháo, trận địa nghi binh, vị trí đặt thủy lôi giả…), trên cơ sở đó qui hoạch, cắm mốc, khoanh vùng, đặt bia, biển đánh dấu, bảo vệ đất đai di tích.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là nhân dân địa phương nơi có di tích về giá trị lịch sử và sự cần thiết phải bảo vệ di tích, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, cơ quan quản lý và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ba là, tiếp tục gặp gỡ, khai thác nhân chứng để sưu tầm hiện vật bổ sung cho nhà trưng bày.
Bốn là, cần khai thác di tích chiến thắng sông Lô trong phát triển du lịch, giáo dục, dạy học lịch sử dân tộc theo định hướng của chương trình giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ.
Năm là, Khu vực tượng đài chiến thắng sông Lô trên núi Đồn cần phải được tiếp tục thực hiện cải tạo, mở rộng, cần có nhà đón tiếp, nơi trưng bày và kinh doanh đồ lưu niệm và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Kết nối đường giao thông nối đến các điểm di tích, các biển báo, chỉ dẫn, bia hoặc nhà bia di tích.
Sáu là, tỉnh Phú Thọ nên chủ động phối hợp với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang xây dựng hồ sơ Hệ thống di tích chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Chiến thắng Sông Lô (1947) là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Trận đánh diễn ra tại khu vực sông Lô, tỉnh Phú Thọ, là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa quân đội nhân dân Việt Nam và sự hỗ trợ của nhân dân địa phương. Đây là một trong những trận đánh đầu tiên có quy mô lớn, thể hiện rõ sự trưởng thành của quân đội Việt Nam trong chiến đấu với quân xâm lược. Chiến thắng này không chỉ làm thất bại âm mưu tấn công của quân Pháp mà còn tạo ra cú hích mạnh mẽ về tinh thần cho quân và dân ta trong toàn quốc.
Về mặt chính trị, chiến thắng Sông Lô đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ cách mạng, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do. Trận thắng này cũng làm lay động dư luận quốc tế, thể hiện rằng quân đội Việt Nam có thể đương đầu và đánh bại quân Pháp. Đồng thời, chiến thắng Sông Lô còn mở ra thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến, khi quân đội ta ngày càng mạnh mẽ và quyết tâm hơn trong việc đánh bại thực dân Pháp.
Hội thảo khoa học Phát huy giá trị di tích chiến thắng sông lô tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ thành công tốt đẹp một lần nữa khẳng định Chiến thắng Sông Lô (1947) có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có sức ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ hiện nay. Đây là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trận đánh không chỉ khẳng định tài năng lãnh đạo của Đảng và quân đội mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên HVU nói riêng trong việc học hỏi và noi gương các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do. Từ chiến thắng Sông Lô, thế hệ trẻ hôm nay cần hiểu rõ giá trị của tự do, hòa bình và nâng cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại
Hội thảo
Đại tá Lưu Quốc Minh - Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 2 phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Đắc Thủy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Văn hoá Du lịch phát biểu
tham luận tại Hội thảo
Tin bài: Mai Anh (Phòng CTCT&HSSV)