Dai hoc Hung Vuong

Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng Vương

Bản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1730279447.hvu
In tin này

Nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN, chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” do Trường Đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện năm 2024

Gửi vào: 17:54 22/10/2024

Ngày 22/10/2024, Trường ĐH Hùng Vương đã tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án khuyến nông trung ương: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN, chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” năm 2024 do ThS. Phan Thị Phương Thanh, GV khoa Nông - Lâm - Ngư chủ nhiệm Dự án cùng các giảng viên, nhà khoa học Nhà trường thực hiện.

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu

Tham gia Hội đồng nghiệm thu về phía Trường ĐH Hùng Vương có TS. Trần Đình Chiến, Phó Hiệu trưởng; đại diện Lãnh đạo các Phòng: KH&CN, KHTC; Lãnh đạo Khoa Nông Lâm Ngư cùng các thành viên dự án.

Về phía đại biểu khách mời có đồng chí Đặng Ngọc Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ; đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó trưởng Phòng NN& PTNT huyện Tân Sơn; đồng chí Hà Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy UBND xã Mỹ Thuận; Đ/c Hà Văn Thuyn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận; Đại diện Hội nông dân xã Mỹ Thuận cùng các hộ chăn nuôi tham gia dự án.

Dự án đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN với quy mô 8.000 con tại Khu Chóc, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cùng sự tham gia của 4 hộ chăn nuôi thuộc tổ hợp tác chăn nuôi gà Mỹ Thuận. Đây là giống gà được công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo quyết định số 21/QĐ-CN-KHTC ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng được vùng nguyên liệu gà đặc sản tập trung, truy xuất nguồn gốc, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Từ nguồn ngân sách nhà nước, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 70% và đối ứng 30% giá trị về con giống, thức ăn, vắc xin, chế phẩm sinh học và hóa chất sát trùng. Các hộ chăn nuôi được đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN theo tiêu chuẩn VietGAHP trước khi vào mô hình. Dự án cũng đã cử các cán bộ có chuyên môn hướng dẫn, theo dõi, giám sát các hộ chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi theo VietGAHP. Đồng thời, dự án cam kết bao tiêu 100% sản phẩm của mô hình.

TS. Trần Đình Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu tại hội đồng nghiệm thu

ThS. Phan Thị Phương Thanh - Chủ nhiệm Dự án báo cáo kết quả thực hiện dự án

Dự án: Xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN, chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã hoàn thành các nội dung:

1) Xây dựng thành công 01 mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN quy mô 8.000 con tại khu Chóc, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn với 4 hộ dân tham gia. Sau 16 tuần tuổi, đàn gà phát triển đồng đều với tỷ lệ nuôi sống cao trên 97%, khối lượng trung bình xuất chuồng trên 1,7 kg/con; FCR dưới 3,4 kg TĂ/kg tăng khối lượng. Mô hình đạt chứng nhận VietGAHP theo Quyết định 78387-24/QĐ-NHONHO ngày 7/10/2024, mã số giấy chứng nhận: VietGAHP-CN-23-01-25-0002 ngày 7/10/2024. Hiệu quả kinh tế mô hình đạt trên 10% so với chăn nuôi đại trà. Nhân rộng mô hình đạt trên 15% so với quy mô dự án. Kết quả xét nghiệm cho thấy, sản phẩm thịt gà HAH-VCN đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12429-3:2021, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dự án đã liên kết các hộ chăn nuôi, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra sản phẩm ổn định, chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững.

2) Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong và ngoài vùng dự án. Tổ chức thành công 01 lớp tập huấn trong mô hình cho 10 hộ chăn nuôi tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Đào tạo, tập huấn nhân rộng mô hình thông qua 02 lớp tập huấn cho 60 người dân thuộc TT. Thanh Sơn, xã Thắng Sơn, xã Địch Quả, xã Hương Cần, xã Văn Miếu, xã Võ Miếu của huyện Thanh Sơn.

3) Thông tin tuyên truyền đầy đủ các hoạt động, kết quả của dự án thông qua cấp phát 05 biển báo mô hình; tổ chức 01 cuộc tham quan, hội thảo tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; tuyên truyền thông qua 3.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Viết bài đưa tin về dự án trên Website của đơn vị chủ trì và của địa phương.

Kết quả chứng nhận VietGAHP cho mô hình gà HAH-VCN

Hội đồng nghiệm thu, các đại biểu và nhóm thực hiện dự án chụp hình lưu niệm tại mô hình

Dự án áp dụng quy trình chăn nuôi theo VietGAHP đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y… đến việc tổ chức thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Sản phẩm gà đặc sản HAH-VCN khẳng định được chất lượng, có giá bán cao hơn và đầu ra ổn định hơn so với chăn nuôi không thực hiện theo quy trình VietGAHP.

Hội đồng nghiệm thu dự án khuyến nông trung ương: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN, chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” kết thúc tốt đẹp. Những kết quả của Dự án đã tác động tích cực tới nhận thức của người dân địa phương về đối tượng gà đặc sản HAH-VCN, về phát triển chăn nuôi tập trung hàng hóa theo chuỗi liên kết, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tin bài: Mai Anh (Phòng CTCT&HSSV)