Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng VươngBản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1705480377.hvu |
Một trong những thách thức chính trong ngành công nghiệp hiện nay là giảm khối lượng đồng thời tăng độ bền của kết cấu, cải thiện hiệu suất, tăng tốc chu kỳ thiết kế, đồng thời giảm chi phí và tác động của môi trường. Tấm composite lõi lượn sóng là kết cấu được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều ứng dụng cho dân dụng, hàng không, hàng hải và đóng gói. Để có thể thiết kế tối ưu được kết cấu của tấm composite lõi lượn sóng này, cần thiết phải tính toán và dự đoán được các ứng xử cơ học của chúng.
Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu
Để giải quyết các bài toán này, nhiều lý thuyết và phương pháp giải đã được đề xuất và đang tiếp tục được phát triển. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện như xác định các đặc trưng cơ học vật liệu, xác định trạng thái ứng suất biến dạng, tính toán động lực học, tính toán bền, bài toán tối ưu. Hầu hết các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đã công bố đang dừng lại ở việc xây dựng mô hình tương đương cho ứng xử đàn hồi tuyến tính của tấm composite lõi lượn sóng. Để giải quyết rõ hơn về vấn đề này, Trường Đại học Hùng Vương đã phê duyệt triển khai giao khoa KTCN chủ trì, TS. Nguyễn Thị Thu Phương đã chủ nhiệm làm đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng xử cơ học phi tuyến cho tấm Composite lõi lượn sóng bằng phương pháp đồng nhất hóa”.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu đề tài với mục tiêu xây dựng mô hình 2D tương đương thay thế mô hình 3D của tấm composite lõi lượn sóng, bằng phương pháp đồng nhất hóa, trong các trường hợp chịu lực kéo. Sau khi nghiên cứu nhóm đã đưa ra được một số kết quả có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn trong các lĩnh vực:
- Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Xây dựng quy trình mô phỏng số trên phần mềm Abaqus.
- Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan: Mô hình 2D tương đương thay thế mô hình 3D của tấm composite lõi lượn sóng bằng phương pháp đồng nhất hóa, để nghiên cứu ứng xử cơ học phi tuyến của tấm composite lõi lượn sóng. Việc so sánh kết quả thu được bằng mô phỏng số Abaqus -3D với Abaqus - 2D chứng minh sự chính xác và hiệu quả của mô hình đồng nhất hóa đề xuất cho tấm composite lõi lượn sóng trong trường hợp chịu kéo độc lập.
- Đối với phát triển kinh tế - xã hội: Mô hình đồng nhất hóa cho phép giảm đáng kể thời gian cho việc xây dựng mô hình hình học, thời gian xây dựng mô hình phần tử hữu hạn cũng như thời gian tính toán cho tấm composite lõi lượn sóng.
- Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu với kết quả xếp loại Đạt. Việc triển khai thực hiện và các kết quả của đề tài có ỹ nghĩa thiết thực Việc thực hiện đề tài giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận với các vấn đề hiện đại trong các lĩnh vực liên quan của đề tài như mô hình đồng nhất hóa mô phỏng số cho các dạng tấm composite bằng phương pháp đồng nhất hóa khi chịu kéo.
Tin bài và ảnh: Phòng KHCN, P. CTCT&HSSV