Cổng thông tin điện tử trường Đại học Hùng VươngBản in từ địa chỉ: https://www.hvu.edu.vn/tin-tuc/1603679981.hvu |
PTĐT - Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khai thác các tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh...; đẩy mạnh phát triển KT- XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đứng trong tốp đầu về trình độ phát triển trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Qua kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đã có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng 1,7 lần so với năm 2015. Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ tăng 7,25%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 52,5 triệu đồng, tăng 64% với năm 2015. Các khu vực kinh tế, các ngành kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, hiệu quả được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 10,5%; quy mô ngành công nghiệp tăng 2 lần so với năm 2015. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Trong 5 năm đã thu hút một số dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Hình thành những ngành sản xuất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, sản xuất thuốc và thiết bị y tế,... Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với giai đoạn trước, nhất là một số sản phẩm mới có lợi thế về thị trường tăng mạnh như: Linh kiện điện tử tăng 28 lần, gạch Ceramic tăng 3,2 lần, giầy thể thao tăng 4 lần, quần áo may sẵn tăng 1,8 lần,... Một số mặt hàng công nghiệp chủ lực có tỷ trọng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu như hàng dệt, may 42%, linh kiện điện tử 25% và các sản phẩm từ chất dẻo 16,8%. Khu vực công nghiệp đã giải quyết việc làm cho 219 nghìn lao động, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; lập quy hoạch các khu công nghiệp Hạ Hòa, Tam Nông; xác định vị trí quy hoạch bổ sung mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất dành cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Khuyến khích, thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,3%. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 1,7 lần so với năm 2015; giá trị xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ đô la, tăng 2,7 lần so với mục tiêu đại hội. Chất lượng các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là lĩnh vực điện năng, dịch vụ thanh toán, công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Các ngành dịch vụ có tỷ trọng đóng góp lớn như bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi,... đều đạt mức tăng trưởng khá do kinh tế giữ vững tốc độ tăng trưởng và nhu cầu thị trường tăng cao.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm biến động, song với sự quyết tâm, sáng tạo, xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư nên sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới của tỉnh có sự chuyển biến tích cực và duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,4%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 3,5% và cao hơn bình quân chung cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn. Đã tổ chức triển khai kịp thời việc lập các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế (chè, bưởi, rau, chăn nuôi, thủy sản, phát triển rừng…) gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối, giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm Giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 108 triệu đồng, tăng 28% so với năm 2015, đạt 102,9% mục tiêu đề ra. Chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chiếm 47,2% diện tích gieo cấy. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp tăng từ 44,6% năm 2015 lên 53,5% năm 2020.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng về thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn... Các địa phương đã tích cực chỉ đạo, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả quan trọng, số xã đạt tiêu chí NTM tăng nhanh, bình quân tiêu chí ước đạt 15,5 tiêu chí/xã (tăng 3,9 tiêu chí/xã so với năm 2015), hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm: Huyện Lâm Thao được công nhận nông thôn mới; huyện Thanh Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM, thị xã Phú Thọ, TP Việt Trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh có 122 xã đạt chuẩn, có 300 khu dân cư nông thôn mới.
Bốn khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và phát triển du lịch được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và phát huy hiệu quả. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do cắt giảm đầu tư công và chủ trương không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, cơ cấu huy động vốn đầu tư chuyển dịch mạnh sang huy động chủ yếu từ các nguồn lực ngoài Nhà nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, vượt 36% so với mục tiêu Đại hội. Cơ cấu vốn đầu tư tiếp tục dịch chuyển mạnh với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tăng từ 75% năm 2016 lên 81% năm 2020. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch về xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh; góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm đã đầu tư thêm 125km đường quốc lộ và cao tốc, 130km đường liên xã, 400km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Giao thông đô thị được cải thiện cơ bản với 447,1km đường nội thị, tỷ lệ cứng hoá đạt trên 91,5%. Việc thực hiện các dự án hạ tầng đô thị đã góp phần thay đổi diện mạo các đô thị tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các thị trấn của các huyện; các dự án giao thông trục chính, các tuyến đường đô thị được làm mới, mở rộng, chỉnh trang; các công trình công cộng được sửa chữa, cải tạo, xây mới; bộ mặt các khu đô thị, khu dân cư mới có nhiều đổi thay tích cực.
Nguồn nhân lực của tỉnh từng bước phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện cơ bản về thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động. Nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị từng bước đáp ứng yêu cầu về vị trí việc làm và lãnh đạo, quản lý; quan tâm đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, bước đầu đã phát huy hiệu quả ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, dịch vụ. Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế. Nguồn nhân lực khu vực nông thôn được quan tâm đào tạo nghề, đã cơ bản áp dụng được kiến thức, kỹ năng nghề vào sản xuất, mở rộng kinh doanh..., góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động du lịch có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư; tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tăng 8,8% so với mục tiêu; hình thành và đưa vào khai thác một số dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đã tích cực chỉ đạo, đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trở thành khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch suối nước nóng Thanh Thủy và khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành khu, điểm du lịch địa phương; thành phố Việt Trì từng bước trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Sản phẩm du lịch bước đầu được đầu tư phát triển đa dạng theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần thu hút ngày càng tăng khách trong nước và quốc tế đến thăm quan du lịch tỉnh Phú Thọ.
Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Xây dựng và phát huy hiệu quả Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đã chú trọng đầu tư xây dựng chính quyền điện tử gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực được cắt giảm về thời gian và quy trình giải quyết, nhất là các thủ tục hành chính trong thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư; tiếp nhận, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước và cán bộ, công chức, đã góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập được tập trung chỉ đạo, thực hiện theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện tinh giản biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, chuyên nghiệp.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển; quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 89,7%. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học có nhiều tiến bộ; tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng giáo dục mũi nhọn, số lượng, chất lượng học sinh giỏi Quốc gia, hàng năm đều đứng trong tốp 10 cả nước. Công tác xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt kết quả tích cực, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Các cơ sở đào tạo được sắp xếp tinh gọn, từng bước nâng cấp, mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Các hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, văn học nghệ thuật có nhiều khởi sắc. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, hệ thống các thiết chế văn hóa được chú trọng thực hiện, đặc biệt Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tiếp tục phát huy, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa Thời đại Hùng Vương, đặc biệt là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được chú trọng thực hiện. Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã không ngừng được củng cố và phát triển. Công tác xã hội hoá về y tế được đẩy mạnh, tỷ lệ giường bệnh xã hội hóa chiếm 51,6%. Công tác giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; huyện Tân Sơn ra khỏi huyện nghèo trước hai năm. Công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến rõ nét. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, tăng cường; đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết được chú trọng, kịp thời, dần đi vào thực chất. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được các cấp ủy Đảng quan tâm, có sự đổi mới cả về nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên. Đã chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, đa dạng hóa việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác lãnh đạo, định hướng hoạt động của báo chí được quan tâm, xử lý nghiêm và chấn chỉnh kịp thời thông tin sai sự thật, xấu độc, góp phần định hướng tư tưởng trong xã hội. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị được phân định, điều chỉnh phù hợp, sát với nhiệm vụ chính trị. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Trong nhiệm kỳ, đã kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; luân chuyển 500 lượt cán bộ, trong đó diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 77 lượt đồng chí... Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn và phát triển đảng viên mới được quan tâm. Trong nhiệm kỳ, kết nạp 13.742 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 2.748 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ hơn 105.000 đồng chí. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, góp phần làm chuyển biến, nâng cao chất lượng công tác của các cấp ủy, tổ chức Đảng, giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã quán triệt, triển khai và kịp thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng làm cơ sở để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ... Trong 5 năm, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra 5.928 tổ chức Đảng; 2.029 đảng viên; giám sát 2.089 tổ chức Đảng, 2.160 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 265 tổ chức Đảng và 842 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề đối với 1.286 tổ chức Đảng, 2.503 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức Đảng và 1.930 đảng viên vi phạm.
Công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng đã tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức công tác dân vận; tăng cường phối hợp được triển khai thực hiện. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được duy trì nền nếp, góp phần giải quyết tốt những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở; đồng thời, tiếp nhận được các ý kiến góp ý vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, hướng về cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động nhân đạo từ thiện... Quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tập trung khắc phục những mặt khuyết điểm, hạn chế; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy truyền thống đoàn kết, tính năng động và ý chí tự cường, sáng tạo, khát vọng phát triển của Nhân dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ; tập trung thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
(Bài viết đăng trên PTĐT của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh)
Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử